Một người bạn thân của tôi giải thích sự quan trọng của việc không thêm thắt điều gì vào Phúc Âm. Đây là điều chúng ta thường hay phạm phải–khi chúng ta chia xẻ tin lành–đó là chúng ta thường hay đòi hỏi người nghe rằng họ phải thay đổi nếp sống. Đây là dụ ngôn Nghi viết . . .
Đọc bài viết bằng tiếng Anh.
Các bạn thân mến
Tối hôm qua, sau khi cầu nguyện với mấy đứa nhỏ–nhất là Theony và Carissa không ngủ được nếu tôi không kể chuyện và cầu nguyện với chúng trước khi đi ngủ–Chúa cảm động tôi viết được một câu chuyện ngụ ngôn dưới đây về vai trò người tín đồ Cơ-đốc dựa theo những điều chúng ta học hỏi được trong Kinh Thánh.
Lễ Giáng Sinh đã gần đến, mong nhà thờ các bạn sẽ là nơi sứ điệp hòa bình này được rao giảng, từ nay cho đến mãi mãi.
Tôi viết bài này theo song ngữ, Anh và Việt, vì một số bạn hiểu tiếng Việt cách dễ dàng hơn.
Một ngày kia, một vị Vua sai sứ giả đến miền xa xăm để giảng hòa với một vương quốc khi người nghĩ họ đã đến thời điểm có thể tái lập mối bang giao. Nhưng vương quốc này chìm đắm trong biển ô tội đã từ lâu, đã phạm quá nhiều tội ác, đến nỗi họ cảm thấy rằng giảng hòa với vị Vua này nghĩa là một ngày kia, họ sẽ phải chịu những hình phạt nặng nề mà họ đáng phải chịu. Họ muốn giảng hòa, nhưng họ sợ hãi những hình phạt; vì họ còn nhớ ít nhất một điều luật nói rằng: “Linh hồn nào phạm tội, sẽ phải chết.” (Ê-xê-chiên 18:20)
Nhà Vua biết đây là điều kinh hãi đã khủng bố lòng họ trong nhiều thế hệ qua, do đó Ngài đã sai sứ giả, ra lệnh ông giao hòa ước này cho họ (mà chúng ta gọi là Tân Ước):
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16), và “Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta. Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người, và đã phó đạo giảng hòa cho chúng tôi.” (2 Corinthians 5:17-21)
Vị sứ giả này lên đường đến chốn xa xăm, với nhiều nỗi niềm trải qua trong tâm khảm; ông nhớ lại đây là một dân tộc rất tội lỗi và gian ác; và ông bị giằng xé trong lòng giữa hai ý tưởng: một là ông sẽ truyền sứ điệp hòa bình với vương quốc này theo chỉ thị của Vua, hoặc ông sẽ thêm những lời giải thích hầu cho khi họ trở về hòa giải, họ sẽ là những người xứng đáng với quê hương ông. Và rồi ông bắt đầu thêm vào một số điều “chú giải” nữa trong bản hòa ước; chẳng hạn như: “Khi bạn ký vào bản hòa ước này, bạn phải sống và cư xử theo cung cách của vương quốc sẽ đón tiếp bạn, bạn phải quyết tâm từ bỏ những đường lối cũ, bạn phải . . . Hầu cho bạn sống đẹp lòng vị Vua đón tiếp ban trở về.”
Sau khi tiếp đón vị sứ giả, dân của nước bị nguyền rủa này xin ông cho họ một thời gian để đọc qua và suy gẫm về bản giao ước và sẽ trả lời ông trong kỳ hạn. Sau khi đọc xong bản hòa ước, họ thấy hai câu đầu tiên truyền đạt nhiều ý đẹp và mang đến cho họ nhiều hy vọng, nhưng rồi những ý đó chỉ trong chốc lát bị chìm vào quên lãng vì tiếp theo đó là những câu khiến họ thấy sự báo động trong lòng. Họ bàn bạc với nhau: Đây là những đòi hỏi khó khăn vì chúng ta đã mang bản năng tội lỗi từ buổi sáng thế. Nhà Vua biết chúng ta không thể làm được những điều này . . . tại sao ông lại nêu lên những điều kiện đó nếu ông thực sự muốn hòa giải với chúng ta? Phải chăng đây là cái bẫy? Ông muốn chúng ta trở về để giết chúng ta chăng?
Sau khi bàn bạc một thời gian, họ quyết định đây không phải là bản giao ước mà lòng họ mong muốn; chẳng phải là họ không muốn trở về, nhưng vì họ nghĩ rằng vương quốc này đã ngoài tầm tay họ vì họ đã chìm đắm quá sâu trong tội lỗi. Thế rồi họ tiễn đưa sứ giả về tay không.
Khi về đến quê hương, vị sứ giả trình lại tin buồn cho nhà Vua, Ngài cũng rất buồn bã trong lòng vì họ đã từ khước bản giao ước mà Ngài đã lấy làm vinh hiển vì sự hi sinh vĩ đại của Con Một của mình, và Ngài đã hi vọng thấy những giọt nước mắt tràn tuôn trên những khuôn mặt của những người khốn khổ bây giờ tràn đầy sự biết ơn khoan hồng của Ngài.
Sau khi đọc đi đọc lại bản giao ước, Ngài không tưởng được tại sao họ lại không nhận sự rộng lượng dường ấy; Ngài bèn sai triệu vị sứ giả đến cung điện và hỏi ông kể lại tường tận điều gì đã xảy ra.
Ngài sững sờ . . . khi biết được quan khâm sai mình đã đổi bản giao ước . . .
Vị sứ giả này đã tìm cách đem đến sự biến đổi trong những người khốn khổ này bằng chính sức mình . . . và không đúng thì. Chính ra ông nên nhường việc này cho Đấng Cố Vấn, Ngôi Ba của Đức Chúa Trời–Nhà Siêu Tâm Lý Gia–Đấng duy nhất có thể biến đổi đời sống họ; vì xác thịt chỉ sanh ra xác thịt, chỉ Thánh Linh mới ban sự sống. Dân của nước bị nguyền rủa này dường như hiểu tình trạng khốn khổ của mình hơn chính vị khâm sai; nghĩ rằng những “phụ chú” đến từ nhà Vua, họ thành thực nhận thấy trong lòng rằng họ không thể chấp nhận hòa ước này vì những điều kiện quá khó khăn. Thực ra vị khâm sai phải biết rõ về điều này rồi, rằng yêu cầu những tội nhân này làm những điều đòi hỏi trong phần phụ chú chẳng khác gì bắt họ phải trở về lòng mẹ để được tái sinh (Giăng 3:4)
Trong nguyên tắc cố vấn tâm lý, người tâm lý gia phải được sự tin tưởng của bệnh nhân hầu cho sự chữa chạy được hiệu nghiệm. Chúa đã truyền bá sứ điệp hòa bình cho nhân loại, nhưng trong nhiều đoạn Kinh Thánh, Ngài tiếp tục làm việc trong lòng họ để họ được lớn mạnh và hiểu chiều cao, sâu, rộng của ân điển Ngài, hầu cho mảnh đất tâm linh trong lòng họ được trở nên màu mỡ và Đấng Cố Vấn–Thánh Linh–có thể làm công việc vĩ đại của Ngài.
Nhiều người trong vòng chúng ta phạm tội này giống như người sứ giả, cố gắng làm công việc của Thánh Linh mà không chăm bón đất với sự nhân từ và ân điển Chúa. Do đó nhiều người ký vào tờ giao ước mà không hiểu trọn vẹn quyền giải phóng cho họ được tự do, nhất là khi bản giao ước đó bị xóa mờ bởi những “phụ chú,” như người sứ giả đã làm. Những phụ chú này làm mất đi hiệu năng của tờ giao ước.
Điều duy nhất vị sứ giả này nên làm, là tìm cách chứng tỏ cho họ thấy sự đáng tin cậy của vị Vua đã ban cho bản hòa ước này, và quyền năng tha bổng của nó mà không thêm vào hoặc bớt đi bất cứ một điều gì. Nếu ông làm được điều đó, ông sẽ làm trọn vai trò của mình là người có thể dạy dỗ người khác trong đường lối Chúa.
“Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi” (2 Corinthians 5:14)
“Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” (Philippians 2:13)
“Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ.” (Philippians 1:6)
“Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình, thì không cần ai dạy cho hết; song vì sự xức dầu của Ngài dạy các con đủ mọi việc, mà sự ấy là thật, không phải dối, thì hãy ở trong Ngài, theo như sự dạy dỗ mà các con đã nhận.” (1 John 2:27)
“Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận biết Đức Giê-hô-va! vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa.” (Jeremiah 31:34; Hebrews 8:11)
“Các sách tiên tri có chép rằng: Ai nấy đều sẽ được Đức Chúa Trời dạy dỗ. Hễ ai đã nghe Cha và học theo Ngài thì đến cùng ta.” (John 6:45)
“Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và ở trong các ngươi.” (John 14:16-17)
“Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhơn danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.” (John 14:26)
“Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu cho được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời;” (1 Corinthians 2:12)
“Còn như sự anh em yêu thương nhau, về điều đó, không cần viết cho anh em, vì chính anh em đã học nơi Đức Chúa Trời, phải yêu thương nhau;” (1 Thessalonians 4:9)
“Về phần các con, đã chịu xức dầu từ nơi Đấng thánh, thì đã biết mọi sự rồi.” (1 John 2:20)